Giống như Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) là công cụ nợ của người phát hành, ở đây cụ thể là các doanh nghiệp, xác định nghĩa vụ trả tiền của họ với người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu Doanh nghiệp cũng thể hiện ba thông tin chính: mệnh giá, kì hạn và lãi suất danh nghĩa. Khi cần rút vốn, khách hàng có thể sử dụng trái phiếu để vay cầm cố ngắn hạn tại ngân hàng, bán trên sàn chứng khoán (đối với các trái phiếu đã niêm yết) hoặc bán lại cho các Công ty Chứng khoán.

Về đặc điểm, Trái phiếu Doanh nghiệp bao gồm 4 đặc điểm chính sau đây:
- Người nắm giữ trái phiếu hay còn gọi là Trái chủ, được nhận lãi định kỳ và nhận lại gốc khi đáo hạn, song không được tham dự vào các quyết định của công ty. (Cũng có những trái phiếu không trả lãi định kỳ, người mua được mua dưới mệnh giá và được nhận lại mệnh giá khi đến hạn).
- Lãi suất TPDN thường cao hơn lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn tại ngân hàng từ 2-3%/năm hoặc thậm chí cao hơn. Mức lãi suất này thường thay đổi tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro: rủi ro càng cao thì mức lãi suất cũng càng cao.
- Rủi ro mất vốn khi đầu tư vào TPDN nhìn chung nằm ở mức trung bình do kỳ hạn nắm giữ trái phiếu của Trái chủ thường linh hoạt và ngắn hơn so với kỳ hạn thực của trái phiếu. Trong trường hợp xấu nhất khi doanh nghiệp giải thể hoặc thanh lý, trái phiếu được quy định thanh toán trước cổ phiếu. Tuy nhiên, khi so sánh với Trái phiếu chính phủ và kênh tiết kiệm truyền thống thì rủi ro mất vốn khi đầu tư vào TPDN sẽ cao hơn.
- Tính thanh khoản của Trái phiếu Doanh nghiệp thấp hơn Trái phiếu Chính phủ. Cụ thể, thị trường luôn có sẵn người mua trái phiếu Chính phủ (các tổ chức tài chính) nhưng không phải lúc nào cũng có người sẵn sàng mua TPDN, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thị trường cũng như sức nóng của loại trái phiếu đó.
Nhìn chung, Trái phiếu Doanh nghiệp là một kênh đầu tư khá hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ càng các thông tin như tính pháp lý, tính minh bạch, tình hình hoạt động kinh doanh,… của đơn vị phát hành trái phiếu và cân nhắc mối quan hệ tương quan giữa lãi suất và mức độ rủi ro, xem xét liệu mức lãi suất đó có đủ để bù đắp rủi ro mà bản thân các nhà đầu tư có thể gặp phải hay không.