Lạm phát (inflation) là thuật ngữ mà chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nghe đến không ít trên thời sự hay các bài báo. Thế nhưng lạm phát thực chất là gì và tác động của nó đến nền kinh tế ra sao thì không phải ai cũng biết và nắm rõ để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhằm bảo vệ tài sản của mình trước lạm phát.
1. Khái niệm:
- Theo cách hiểu khái quát nhất, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay sức mua của đồng tiền bị giảm đi. Cùng một sản phẩm nhưng khi xảy ra lạm phát, số tiền phải bỏ ra để mua được sản phẩm đó là lớn hơn.
- Khi đặt trong mối quan hệ tiền tệ với các nước khác, lạm phát là việc đồng tiền nội tệ bị mất đi giá trị so với các loại ngoại tệ khác. Tuy nhiên cần hiểu rằng khi đồng nội tệ bị phá giá so với một loại ngoại tệ nào đó, cho dù nó có sự liên quan nhất định và ảnh hưởng không nhưng không có nghĩa rằng với các loại ngoại tệ khác cũng xảy ra trường hợp như vậy (cần xem xét đến những yếu tố kinh tế khác).

2. Tác động của lạm phát đến đời sống kinh tế:
Việc lạm phát tăng cao và kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, do đó ổn định và giữ cho tốc độ lạm phát ở mức độ vừa phải luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Lạm phát tăng cao sẽ gây ra những tác động chủ yếu bao gồm:
- Giá cả tăng mạnh khiến chi phí sản xuất kinh doanh tăng theo, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
- Lạm phát cao làm giảm giá trị đồng tiền trong nước. Khi các mức giá cả trong tương lai khó dự đoán hơn thì các kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm hợp lý sẽ trở nên khó thực hiện hơn. Người dân ngày càng lo ngại về việc sức mua trong tương lai của họ bị giảm xuống và mức sống của họ cũng vì vậy mà kém đi.
- Lạm phát cao sẽ có xu hướng khuyến khích các hoạt động đầu tư mang tính đầu cơ trục lợi hơn là đầu tư vào các hoạt động sản xuất (ví dụ: khi có lạm phát, nếu ngân hàng không tăng lãi suất tiền gửi thì dân chúng sẽ không gửi tiền ở ngân hàng mà tìm cách đầu cơ vào đất đai khiến giá cả đất đai tăng cao...).
- Lạm phát cao đặc biệt ảnh hưởng xấu đến những người có thu nhập không tăng kịp mức tăng của giá cả, đặc biệt là những người sống bằng thu nhập cố định như là những người hưởng lương hưu hay công chức. Phúc lợi và mức sống của họ sẽ bị giảm đi.
3. Để không bị thất thoát tài sản khi xảy ra lạm phát
Lạm phát là thứ mà khi trải qua thời gian càng lâu, tác động mà nó gây ra sẽ càng lớn và rõ ràng hơn cả. Có thể lấy ví dụ với việc mua vàng: nếu giá vàng SJC năm 2009 rơi vào khoảng 20 triệu đồng/lượng thì hiện tại tức sau tròn 10 năm mức giá đã tăng lên gần 37 triệu đồng. Điều này có nghĩa là nếu bạn giữ tiền đồng và không làm cho nó đẻ ra tiền thì sau 10 năm, bạn chỉ mua được gần ½ số vàng so với lúc trước. Với mức độ lạm phát khoảng 4%/năm, nếu bạn không làm gì với khoản tiết kiệm của mình, mỗi năm khoản tiền này sẽ tự động mất đi 4% giá trị do lạm phát. Vì vậy, chỉ tiết kiệm thôi là chưa đủ, bạn cần phải đầu tư để bảo vệ tài sản của mình trước tác động của lạm phát.